Âm nhạc Nghệ thuật Đại Việt thời Lý

Tượng người chim Garuda đánh chũm chọe, khai quật tại phế tích tháp Chương Sơn, Hà Nam

Sự củng cố quyền lực của các hoàng đế nhà Lý trong chế độ phong kiến tập quyền đã phân chia âm nhạc trong xã hội thành hai dòng: dòng âm nhạc cung đình hướng tới tính chuyên nghiệp phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí trong triều đình; dòng âm nhạc dân gian vẫn phục vụ nhu cầu giải trí của đông đảo nhân dân.

Phạm Đình Hổ thời Hậu Lê cho rằng nền ca kịch Đại Việt bắt đầu từ thời Lý, do những người Hoa theo Đạo giáo sang dạy cho người Việt[16]. Nhảy múa thường xuyên được tổ chức trong cung đình và trong dân gian. Ngoài ra nghệ thuật chèo cũng phổ biến, được giới quý tộc ham thích[8].

Âm nhạc cung đình cũng cùng với các nghi lễ trong cung chịu ảnh hưởng từ phương Bắc, cụ thể là nhà Tống. Các điệu nhạc du nhập từ Trung Quốc có "Nam thiên nhạc", "Ngọc lâu xuân", "Mộng du tiên", các bài hát có "Trang Chu nằm mộng hóa con bướm", "Bạch Lạc Thiên mẹ biệt ly con"… Nhạc cụ các nhạc công sử dụng thời Lý gồm có trống cơm, tiêu, não bạt, sáo trúc, đàn hồ, đàn tranh, đàn tỳ bà, thất huyền cầm, đàn bầu[8][17].

Âm nhạc Việt thời Lý cũng chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ nhạc Chiêm Thành (mà nguồn gốc xa từ Tây Thiên tức Ấn Độ) qua những tù binh người Chiêm (cả nam lẫn nữ) bị bắt trong các cuộc nam chinh của nhà Lý[8][18]. Năm 1060, Lý Thánh Tông đã cho dịch các khúc nhạc Chiêm Thành và cho nhạc công ca hát. Với việc đưa tù binh Chăm về sống xen kẽ trong một số làng xã, tạo điều kiện thêm cho sự giao lưu văn hóa Việt - Chăm. Ngoài những nhạc cụ, thì người Việt cũng sẵn sàng tiếp nhận thêm những giai điệu, những yếu tố âm nhạc của người Chăm, mà điều này cho đến ngày nay, trong nhiều làn điệu dân ca của người Việt (đặc biệt là dân ca Quan họ) còn lấp ló đâu đó dấu vết của sự giao thoa ấy.

Đạo phật bắt đầu phát triển đến giai đoạn cực thịnh ở thời Lý. Âm nhạc dân gian vẫn được nhà nước phong kiến coi trọng, bởi âm nhạc cũng là một phương tiện để truyền đạo. Do dó âm nhạc dân gian cũng bước vào giai đoạn phát triển rực rỡ, nhiều thể loại mới ra đời phục vụ cho việc lễ hội như hát tế thần ở hội Đền Sóc, hội cờ lau tập trận, hát Dậm Thi Sơn... Ngoài các bài ngâm, tụng, đọc của Phật giáo còn có thêm hình thức kể hạnh, hát chầu tại các đền, miếu. Bên cạnh đó là sự du nhập của nhiều nhạc cụ mới phục vụ cho việc hoạt động tín ngưỡng như tiu, cảnh, chuông, ...

Trong giai đoạn này, một vấn đề quan trọng ảnh hưởng mạnh mẽ tới sự phát triển của âm nhạc dân tộc, đó là người Việt, người Mường bắt đầu tách ra khỏi khối cộng đồng Việt - Mường. Tiếng Việt bước sang một giai đoạn hình thành dấu giọng khác, có 6 thanh, và như vậy, âm nhạc truyền thống lại được bồi đắp thêm những nhân tố mới bởi các thang 6, 7 âm[19].